Paymaster: Không Cần Native Token Để Giao Dịch

Paymaster: Không Cần Native Token Để Giao Dịch

Thanh Tú2/7/2025

1. Paymaster Là Gì?

 

Paymaster là một dịch vụ trong mô hình Account Abstraction, cho phép người dùng thanh toán phí gas trên các blockchain bằng nhiều loại token khác nhau thay vì sử dụng native token (token gốc của mạng lưới).

Ví dụ, khi giao dịch trên Ethereum, người dùng cần dùng token ETH để trả phí gas. Tuy nhiên, với Paymaster, người dùng có thể sử dụng các đồng stablecoin như USDC, USDT để thanh toán phí mà không cần phải nắm giữ ETH.

Điều này mang đến sự linh hoạt và tiện lợi hơn cho người dùng khi thực hiện giao dịch trên các ứng dụng phi tập trung (dApp) tích hợp Paymaster.

 

2. Paymaster Giải Quyết Vấn Đề Gì Trong Thị Trường Crypto?

 

Một trong những khó khăn lớn khi gia nhập không gian crypto là phí gas. Khi giao dịch hoặc sử dụng dApp, người dùng phải trả phí mạng lưới, và thông thường, họ cần phải có token của chính mạng lưới đó. Ví dụ, với Avalanche, người dùng phải có AVAX, với BNB Chain phải có BNB.

Điều này gây bất tiện cho người dùng, đặc biệt là khi họ muốn giao dịch giữa các token khác nhau mà không muốn nắm giữ nhiều loại đồng coin. Paymaster giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép thanh toán phí gas bằng bất kỳ loại token nào, giúp người dùng tránh phải nắm giữ native token của mỗi blockchain.

 

3. Cách Thức Hoạt Động Của Paymaster

 

Paymaster hoạt động thông qua các hợp đồng thông minh được tích hợp vào các dApp. Khi người dùng thực hiện giao dịch trên nền tảng hỗ trợ Paymaster, họ có thể tùy chỉnh loại token mà họ muốn sử dụng để thanh toán phí gas, thay vì phải sử dụng native token của blockchain đó.

Ví dụ, khi sử dụng Nostra Finance trên Starknet, người dùng có thể chọn token như USDC để thanh toán phí gas thay vì ETH. Điều này giúp quá trình giao dịch trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.

 

4. Ưu Điểm Của Paymaster

 

  • Cải thiện trải nghiệm người dùng: Paymaster giúp người dùng không cần phải lo lắng về việc nắm giữ native token khi thực hiện giao dịch trên các dApp, từ đó giúp tăng cường sự tham gia của người dùng.

  • Mô hình kinh doanh mới: Các nhà phát triển dApp có thể sử dụng Sponsored Paymaster để khuyến khích người dùng tham gia mà không phải lo về chi phí phí gas.

  • Giảm rủi ro biến động giá: Với ERC-20 Paymaster, người dùng có thể thanh toán phí giao dịch bằng các stablecoin, giúp giảm thiểu sự biến động giá của native token.

  • Sự phổ biến trong DeFi và NFT: Paymaster đã trở thành công cụ hữu ích trong các ứng dụng DeFi và NFT, giúp người dùng tiếp cận các dịch vụ này dễ dàng hơn.

 

5. Nhược Điểm Của Paymaster

 

Mặc dù Paymaster mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tồn tại một số nhược điểm cần lưu ý:

  • Phức tạp trong triển khai: DApp cần xây dựng và duy trì hợp đồng thông minh Paymaster. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, điều này có thể dẫn đến các lỗ hổng bảo mật.

  • Chi phí lâu dài: Các nhà phát triển dApp phải duy trì quỹ để trả phí gas cho người dùng, điều này có thể trở thành một gánh nặng tài chính dài hạn.

 

6. Các Cơ Chế Tương Tự Paymaster

 

Trước khi Paymaster trở nên phổ biến vào năm 2023, đã có những giải pháp khác hỗ trợ người dùng giao dịch mà không cần phải trả phí gas, nhưng các cơ chế này thiếu sự linh hoạt và khó triển khai hơn.

Một số cơ chế tương tự bao gồm:

  • Sử dụng Rollapp: Đây là giải pháp giúp các dApp miễn phí phí gas cho người dùng. Tuy nhiên, Rollapp vẫn phải chịu chi phí khi sử dụng tài nguyên của Layer 1.

  • Sử dụng Relayer: Relayer là các thực thể trung gian giúp người dùng giao dịch mà không cần tự trả phí gas. Các blockchain như Gnosis Chain, Viction đang sử dụng cơ chế này.

Paymaster hiện đang là lựa chọn phổ biến vì tính linh hoạt và dễ triển khai, đặc biệt trong các dApp sử dụng mô hình Account Abstraction.